MỸPhương tiện New Shepard kết hợp tên lửa đẩy và khoang tàu chở khách của Blue Origin cất cánh lúc 20h11 ngày 20/7 giờ Hà Nội (8h11 sáng giờ địa phương).
Công ty Blue Origin thực hiện chuyến bay có người lái đầu tiên, chở nhà sáng lập là tỷ phú Jeff Bezos và 3 hành khách khác lên độ cao 107 km từ cơ sở Launch Site One ở Van Horn, Texas trong chuyến bay kéo dài gần 11 phút.
Tên lửa tự động đưa khoang tàu tới gần rìa vũ trụ trước khi tách ra, khai hỏa động cơ để hãm tốc độ và chậm rãi tiếp đất bằng 4 chân. Blue Origin sẽ tiếp tục tái sử dụng tên lửa đẩy trong những lần phóng sau. Sau vài phút ở phía trên đường Karman, ranh giới giữa Trái Đất và vũ trụ, khoang tàu chở phi hành đoàn hạ cánh nhẹ nhàng bằng dù xuống sa mạc Texas.
Bezos thành lập công ty Blue Origin năm 2000 để theo đuổi ước mơ bay vào không gian từ thời thơ ấu. Thời trẻ, ông quyết định trở thành một thương nhân giàu có để tạo nền tảng cho con đường trở thành phi hành gia. Bezos trở thành tỷ phú giàu nhất hành tinh với công ty thương mại điện tử Amazon, ra đời năm 1995. Nói về "hiệu ứng toàn cảnh" mà một số phi hành gia trải qua khi nhìn xuống Trái Đất từ trên cao, Bezos chia sẻ ông rất mong đợi được thấy "giới hạn mỏng của khí quyển Trái Đất và nhìn nhận hành tinh mong manh tới mức nào".
Đồng hành cùng Bezos là em trai ông Mark, một nhà đầu tư kiêm thợ cứu hỏa tình nguyện. Mark cho biết anh vẫn cảm thấy khó tin khi có thể trải nghiệm cơ hội hiếm hoi như vậy cùng với anh trai yêu quý.
Thành viên lớn tuổi nhất trong phi hành đoàn là Wally Funk. Bà từng là phi công trong chương trình Mercury 13. Cách đây 60 năm, bà từng tham gia ứng tuyển để trở thành phi hành gia NASA nhưng bị từ chối do giới tính và thiếu kinh nghiệm làm việc trong quân đội. Với chuyến bay trên tàu New Shepard, Funk đã trở thành phi hành gia lớn tuổi nhất bay vào không gian.
Trái ngược với Funk, sinh viên 18 tuổi người Hà Lan Oliver Daemen là người trẻ nhất bay vào không gian trong lịch sử. Cha cậu đã mua vé trong chuyến bay chở người thứ hai của tàu New Shepard cho con trai. Daemen đã có bằng phi công và luôn thích thú tìm hiểu về vũ trụ từ năm 4 tuổi. Anh trở thành thành viên phi hành đoàn vào phút chót khi người chiến thắng trong cuộc đấu giá vé trên tàu New Shepard phải rút lui do không thu xếp được lịch trình.
Bezos trở thành tỷ phú thứ hai bay vào không gian trong chưa đầy hai tuần qua. Hôm 11/7, nhà sáng lập tập đoàn Virgin Group là tỷ phú Richard Branson đã tham gia chuyến bay chở người đầy đủ đầu tiên của máy bay vũ trụ VSS Unity do công ty con Virgin Galactic phát triển. Đây là đối thủ cạnh tranh chính của Blue Origin trong ngành kinh doanh du lịch cận quỹ đạo. Giá vé cho một ghế theo thông báo gần đây nhất của Virgin Galactic là 250.000 USD. Trong khi đó, Blue Origin chưa công bố giá vé nhưng mức giá được dự đoán cũng ở mức 6 con số.
Cả hai công ty đều mang đến cho hành khách trải nghiệm môi trường không trọng lực trong 3 - 4 phút và nhìn ngắm Trái Đất từ trên cao. Nhưng trải nghiệm bay do Blue Origin và Virgin Galactic cung cấp vẫn có những khác biệt đáng kể. Ví dụ, tàu New Shepard là khoang tàu tự động phóng thẳng đứng và hạ cánh bằng dù, còn VSS Unity là máy bay vũ trụ do hai phi công điều khiển, cất cánh trên lưng máy bay vận chuyển và hạ cánh trên đường băng. Tàu New Shepard cũng bay cao hơn so với VSS Unity. Phương tiện này không bay tới đường Karman (100 km).
Blue Origin đang lên kế hoạch phóng thêm hai nhiệm vụ chở người bằng tàu New Shepard trong năm nay. Nhiệm vụ tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10, đại diện công ty chia sẻ trong buổi họp báo hôm 18/7. Những chuyến bay đó sẽ chở khách hàng trả phí.
Virgin Galactic đặt mục tiêu tiến hành thêm một số chuyến bay thử trong mùa thu năm nay, sau đó tiến vào hoạt động thương mại từ đầu năm sau ở căn cứ Spaceport America tại New Mexico. Hai công ty đều dự định tăng tỷ lệ chuyến bay theo thời gian, giúp giảm chi phí và mở rộng đối tượng khách hàng.